A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

AI đang đe dọa sự sáng tạo âm nhạc

AI đang xâm nhập vào ngành âm nhạc, tạo ra các bản nhạc, giọng hát, các màn biểu diễn mà không có sự đồng ý của nghệ sĩ. Nhiều tên tuổi lớn như Celine Dion, Paul McCartney, Nick Cave đã lên tiếng phản đối, cảnh báo về nguy cơ mất bản quyền và sự suy giảm sáng tạo.

AI đang đe dọa sự sáng tạo âm nhạc - ảnh 1

Ca sĩ Celine Dion là một trong những nạn nhân của nạn giả mạo bằng AI trong âm nhạc

Trên Instagram ngày 7.3, đại diện của Celine Dion viết: “Chúng tôi phát hiện âm nhạc do AI tạo trái phép chứa các màn biểu diễn, tên tuổi và hình ảnh của Celine Dion đang lan truyền trên mạng và khắp các nền tảng cung cấp dịch vụ số. Xin lưu ý tất cả bản thu âm này là giả mạo, không có sự đồng ý và không thuộc danh sách đĩa nhạc của cô”.

Dù phía nữ ca sĩ không chỉ đích danh bất kỳ bài hát nào, nhưng gần đây một bản cover bằng AI với giọng hát của Celine Dion thể hiện ca khúc Heal Me Lord đã xuất hiện trên YouTube và thu hút hơn một triệu lượt xem.

Tuyên bố của Celine Dion về AI ra đời trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lo ngại việc trí tuệ nhân tạo dùng nhạc, giọng hát của các ca sĩ để sáng tạo, kiếm tiền trái phép. Nhiều tên tuổi lớn trong ngành đã lên tiếng phản đối tình trạng vi phạm bản quyền này.

Brian May, thành viên ban nhạc Queen, chia sẻ với tờ Daily Mail rằng: “Nỗi lo lớn nhất của tôi là mọi thứ có thể đã quá muộn. Việc đánh cắp này đã diễn ra và không thể ngăn chặn, giống như nhiều sự xâm phạm khác mà những ông trùm mạng xã hội và AI đang áp đặt lên cuộc sống của chúng ta”.

Paul McCartney, thành viên của ban nhạc huyền thoại The Beatles, cũng bày tỏ sự quan ngại và cho rằng nếu những thay đổi này được thực thi thì AI sẽ có thể “ăn cắp” tác phẩm của các nghệ sĩ, dẫn đến sự suy giảm sáng tạo trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Trong khi đó, Jimmy Page, thành viên ban nhạc Led Zeppelin chỉ trích: “Khi AI thu thập và sử dụng những sáng tạo của con người để tạo ra nội dung mới, điều đó thường diễn ra mà không có sự đồng ý, ghi nhận hoặc bồi thường. Đây không phải là đổi mới mà là sự khai thác”.

Theo The Guardian, vào tháng 4.2024 hơn 200 nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu như: Billie Eilish, Nicki Minaj, Katy Perry, Smokey Robinson… đã ký một bức thư của Liên minh Quyền nghệ sĩ (Artist Rights Alliance), kêu gọi các công ty công nghệ cam kết không phát triển các công cụ AI có khả năng bắt chước hình dáng, giọng nói và âm nhạc của các nghệ sĩ.

Vào tháng 3.2024, trên kênh YouTube cá nhân, ca sĩ Jang Yoon Jeong thất vọng chia sẻ: “Nếu AI có thể cover các bài hát, tại sao chúng ta còn cần phải thu âm? Họ chỉ cần bán các bản nhạc do AI tạo ra bằng giọng hát của chúng ta”.

Tháng 2.2024, hơn 1.000 nghệ sĩ Anh cùng thực hiện album Is This What We Want? để phản đối đề xuất thay đổi luật bản quyền của Chính phủ Anh. Nếu được thông qua, các công ty công nghệ có quyền dùng nhạc, tác phẩm nghệ thuật, văn chương của con người để đào tạo AI mà không cần giấy phép.

Đĩa nhạc dài 47 phút, gồm 12 bản thu không lời, không nhạc chỉ có tạp âm. Tất cả tên bài ghép lại thành câu: “Chính phủ Anh không được hợp pháp hóa việc ăn cắp nhạc để mang lại lợi ích cho các công ty AI”.

Hiện nay công nghệ AI có khả năng phân tích dữ liệu âm nhạc khổng lồ, bao gồm giai điệu, hòa âm, phong cách khác nhau của các nghệ sĩ. Nhờ vậy AI có thể tạo ra nhạc với nhiều thể loại, phong cách đa dạng.

Một số công cụ AI phổ biến như: Amped Studio, Beepster, Mubert Studio, MuseNet, Soundraw… cho phép cả người nghiệp dư cũng có thể sáng tác nhạc và lời bài hát trong vòng 10 giây bằng cách thu thập dữ liệu, sắp xếp nốt nhạc ngẫu nhiên, đưa ra hướng dẫn hoặc chọn từ các mẫu có sẵn.

Theo một nghiên cứu, trong 4 năm tới những người làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc có thể mất tới 25% thu nhập do sự phát triển mạnh mẽ của AI. Hiện tại, thị trường AI tạo sinh trong âm nhạc có giá trị 3 tỉ euro và được dự báo sẽ tăng lên 64 tỉ euro vào năm 2028.

Trên nền tảng Deezer, Giám đốc điều hành của nền tảng phát nhạc trực tuyến này Alexis Lanternier cho biết, cứ 10 bài hát được tải lên dịch vụ này mỗi ngày thì có một bài là giả hoặc chỉ là tiếng ồn do các chương trình AI tạo ra.

Các công nghệ phát hiện gian lận màDeezer triển khai vào năm 2023 đã phát hiện ra rằng khoảng 10.000 bài hát hoàn toàn do AI tạo ra được tải lên nền tảng này mỗi ngày, chiếm khoảng 10% tổng số nội dung mới.

Điều đáng nói là, “các bản nhạc giả mạo thường sử dụng giọng hát tổng hợp từ các nghệ sĩ nổi tiếng hoặc sao chép các ca khúc đình đám - những yếu tố chưa thể được bảo vệ bản quyền hiện nay.

Deezer đang phát triển một hệ thống gắn nhãn nội dung do AI tạo ra và loại bỏ chúng khỏi danh sách nghe được đề xuất, nhằm đảm bảo trải nghiệm người dùng và môi trường âm nhạc”, thông báo này cho biết.

Nick Cave, một trong những nghệ sĩ có tiếng nói mạnh mẽ chống lại AI trong âm nhạc, đã gọi sự gia tăng của công nghệ này là “đáng báo động” và có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với các nghệ sĩ.

Ông cho rằng: “Mục tiêu của AI là lách qua quá trình sáng tạo, biến nghệ thuật thành một thứ hàng hóa sẵn có, làm mất đi giá trị thực sự của sự sáng tạo”.


Nguồn:https://baovanhoa.vn/the-gioi/ai-dang-de-doa-su-sang-tao-am-nhac-124026.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 39 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật