A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải thưởng âm nhạc Việt - chênh lệch giữa nhạc hát và nhạc đàn

Nhìn một cách khách quan vào tổng quan giải thưởng âm nhạc trong nước hiện nay mới thấy tồn tại những chênh lệch, đối nghịch giữa nhiều và ít, giữa nhạc hát và nhạc đàn, đại chúng và đỉnh cao. Những điều này không phải tự nhiên.

Đêm trao Giải thưởng Cống hiến lần thứ 18, năm 2024, do Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội vừa kết thúc mới đây thêm một lần vinh danh các nghệ sĩ giải trí trong lĩnh vực âm nhạc. Nhiều cái tên được xướng lên như: Ca sĩ Văn Mai Hương, Hòa Minzy (Nguyễn Thị Hòa), nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, rapper Đen (Nguyễn Đức Cường); gương mặt mới có rapper Double2T (Bùi Xuân Trường), trong khi nghệ sĩ thuộc thế hệ trước có nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Nhạc sĩ của những bức thư tình-Đỗ Bảo và nhóm sản xuất của mình được vinh danh trong hạng mục Chương trình của năm cho concert “Đỗ Bảo & Friends: Một mình bao la”. Duyên của Đỗ Bảo với giải thưởng Cống hiến 2024 chưa hết khi Ban tổ chức có thêm một ngoại lệ, vinh danh chương trình Đêm nhạc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao “Đàn chim Việt”, do anh làm Giám đốc âm nhạc bằng giải thưởng Cống hiến Ấn tượng.

Giải thưởng âm nhạc Việt - chênh lệch giữa nhạc hát và nhạc đàn
Hình ảnh trong Live concert “Đỗ Bảo & Friends: Một mình bao la” được trao giải Cống hiến Chương trình của năm 2024. Ảnh: NGUYỄN HÒA 

Trước đó không lâu, Giải Mai Vàng lần thứ 29, năm 2023 do Báo Người lao động tổ chức tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh trong tổng số 14 hạng mục có 4 hạng mục liên quan đến lĩnh vực âm nhạc cũng đã gọi tên các nghệ sĩ âm nhạc giải trí như rapper Đen (nam ca sĩ), ca sĩ Hòa Minzy (nữ ca sĩ); trong khi, hạng mục ca khúc trao cho “Cắt đôi nỗi sầu” (sáng tác: Tăng Duy Tân), hạng mục MV (Video ca nhạc) thuộc về “Thena” (sáng tác: Phúc Anh, đạo diễn: Ứng Kiên, thể hiện: Phúc Anh).

Những ngày đầu năm 2024, Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023 - một giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Hà Nội). Giải thưởng năm nay thu hút 275 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam trên cả nước dự thi với 275 tác phẩm, gồm các thể loại: Thanh nhạc 209 tác phẩm; 23 ca khúc thiếu nhi; 3 giao hưởng; 14 thính phòng (độc tấu-tứ tấu-hòa tấu nhạc cụ); 6 hợp xướng, acapella; 4 ca khúc nghệ thuật; 7 chương trình biểu diễn và 9 công trình lý luận (gồm sách nghiên cứu, sách biên soạn và sưu tầm, các tập bài báo về âm nhạc).

Cũng cần phân định rõ hơn về phạm vi giải thưởng mà chúng tôi đề cập ở bài viết này. Giải thưởng ở đây khác với cuộc thi, liên hoan. Nếu như cuộc thi, liên hoan là thi thố trực tiếp, ganh đua trực tiếp giữa các đơn vị nghệ thuật, nhóm nhạc, nghệ sĩ độc lập với nhau thì giải thưởng dù cũng có tính cạnh tranh nhưng đặc điểm nổi bật của nó là mang tính vinh danh, ghi nhận sự đóng góp. Do đó, thường là những tác phẩm hoặc những nghệ sĩ có tác phẩm đã được sáng tác, giới thiệu và thẩm thấu của công chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó bằng nhiều hình thức khác nhau phụ thuộc vào tiêu chí mỗi giải thưởng mà tác phẩm, nghệ sĩ lọt vào danh sách đề cử và được vinh danh.

Có giải thưởng lớn, vinh danh trọn đời và tổ chức định kỳ xét tặng ba năm một lần như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật chúng tôi không đề cập. Bài viết này chỉ nhắc tới các giải thưởng mang tính thường niên, phản ánh những chuyển động âm nhạc trong giai đoạn hiện tại. Đứng ở góc độ này sẽ thấy sự mất cân bằng, đối nghịch trong giải thưởng âm nhạc giữa vừa nhiều lại vừa ít.

Những giải thưởng nhắc đến ở trên, có thể coi là những giải quy mô, mang tính chuyên nghiệp và có uy tín hiện nay liên quan đến âm nhạc. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là dành riêng cho âm nhạc. Trước đây giải Cống hiến cũng dành riêng cho âm nhạc nhưng hai mùa liên tiếp 2023-2024 này, giải thưởng đã mở rộng thêm lĩnh vực thể thao. Giải Mai Vàng liên quan đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.

Ở góc độ khác, 2 giải thưởng có độ lan tỏa ngoài đời sống do cơ quan báo chí tổ chức, nếu đúng bản chất thì nó chỉ dành cho lĩnh vực âm nhạc có lời (ca hát) và ngay trong mảng này nó cũng chỉ thiên về lĩnh vực giải trí, trong khi giải thưởng đa dạng, đầy đủ và đúng nhất với hai từ âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì hiện tại dường như vẫn đang bị khu biệt vào giới chuyên môn. Tức là nhìn vào giải thưởng cũng sẽ thấy sự mất cân bằng trong thể loại âm nhạc. Nhạc hát chiếm thế thượng phong, nhạc đàn (hòa tấu, độc tấu, giao hưởng...) ở thế yếu.

Thế yếu của nhạc đàn so với nhạc hát còn thể hiện ngay trong chính giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khi mà có tới 242/275 tác phẩm dự giải thuộc thể loại nhạc hát. Trong nhạc hát lại được chia ra nhiều thể loại khác nhau, những thể loại như hợp xướng, romance (ca khúc nghệ thuật) chỉ chiếm một lượng rất nhỏ (10/242 tác phẩm). Ca khúc đại chúng (tạm gọi) bao gồm cả bài hát cho người lớn và bài hát thiếu nhi chiếm ưu thế tuyệt đối.

Vậy sự chênh lệch thế này có đáng buồn không? Cá nhân người viết có chút chạnh lòng. Bởi nó phản ánh thực tế sự vận động của âm nhạc trong đời sống hiện nay. Nói xa hơn thì sự vận động này đã hiện hữu trong lịch sử và đồng hành với đời sống người Việt từ quá khứ cho tới hiện tại. Đặc điểm dân tộc của chúng ta thiên về nhạc hát, sự sáng tạo trong nhạc hát rất phong phú, trong khi sáng tạo nhạc đàn và các nhạc cụ cho riêng mình không phong phú bằng. Trong chính nhạc hát cũng có sự chênh lệch thiên về bài hát và nghệ sĩ giải trí. Nó phản ánh nhu cầu của công chúng hiện tại là như vậy.

Chạnh lòng bởi âm nhạc Việt Nam không nghèo nàn tới mức chỉ có ca khúc và ca hát. Không chỉ có sự góp mặt của nhạc đàn, nhạc hát ở nhiều thể loại khác nhau mà còn cả một nền âm nhạc dân tộc cổ truyền vô cùng đặc sắc. Chạnh lòng vì vẫn còn có khoảng cách giữa tác phẩm của các nhạc sĩ hội viên với tác phẩm âm nhạc đang hiện hữu ngoài đời sống. Chạnh lòng vì nghệ sĩ âm nhạc thị trường được khán giả tôn sùng, giải thưởng vinh danh; trong khi nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ âm nhạc đỉnh cao, âm nhạc dân tộc âm thầm cống hiến “áo gấm đi đêm”.

Những điều này được nhìn từ thực trạng giải thưởng hiện nay. Các giải thưởng hướng thẳng trọng tâm đến sự bình chọn của khán giả đại chúng. Trong khi giải thưởng cho âm nhạc khác ngoài ca khúc, hiện chúng tôi mới chỉ biết đến có giải thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng giải thưởng này lại có một hạn chế khách quan, đó là tác phẩm phải được sáng tác trong năm, tác phẩm phải có bản tổng phổ (bản nhạc trên giấy) và được vang lên bằng âm thanh.

Trong khi, nhạc đàn, nhất là tác phẩm giao hưởng, thính phòng không phải ai cũng sáng tác được; nhưng tác phẩm hoàn thành thì cơ hội để được dàn nhạc thể hiện, phòng thu chuẩn thu âm rất hiếm. Một trong những lý do chính là điều kiện tài chính của tác giả. Điều này, tôi biết Hội Nhạc sĩ Việt Nam dù rất muốn cải thiện nhưng sẽ rất khó nếu không có sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.

Giải quyết sự chênh lệch, triệt để nhất giới hạn của nhiều và ít, đại chúng và đỉnh cao... không phải một sớm một chiều, không thể để mặc phụ thuộc vào một vài tổ chức, đơn vị tự phát mà là bài toán mang tính chiến lược, cụ thể về đào tạo con người Việt Nam làm nghệ thuật mới trong tương lai.

Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG


Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/giai-thuong-am-nhac-viet-chenh-lech-giua-nhac-hat-va-nhac-dan-771340 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan