Tổ khúc "Làng bên sông": Câu chuyện người lính được kể bằng âm nhạc
Làng bên sông là câu chuyện về đề tài người lính được kể lại bằng âm nhạc gồm 6 khúc nhạc, mô tả lại hành trình của người lính: Khi rời làng đi chiến đấu; vào rừng sâu; kéo pháo cùng đồng đội; hy sinh; hồi tưởng; kết. Tác phẩm mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng viết nhân Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27.7 năm nay.
Ca khúc do nghệ sĩ Đào Mác thể hiện
Làng bên sông được viết theo thể loại tổ khúc, phần nhạc nền được thực hiện theo phong cách phối khí của dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Hà Trung phụ trách; phần Mix, Master của Phạm Hồng Biển. Theo đó, trọn vẹn bài hát chỉ hát 1 lần, không lặp lại đã có độ dài hơn 8 phút. Tác phẩm do Đào Mác trình bày. Anh là nghệ sĩ opera, sở hữu giọng nam trung baritone dày, thâm trầm, đẹp và nội lực, Đào Mác đã thể hiện trọn vẹn thông điệp bài hát, cuốn hút người nghe…
Nguyễn Bá Hùng cho biết: “Ca khúc này tôi viết để tưởng nhớ đến hàng trăm ngàn liệt sĩ đã hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc. Đến nay rất nhiều trong số họ vẫn chưa được trở về nhà. Sự hy sinh cao cả của họ tạo cho tôi động lực và lòng biết ơn để viết nên ca khúc này”.
Tác phẩm kể về cuộc đời của những người lính lên đường chiến đấu khi còn rất trẻ, hy sinh cũng còn tuổi thanh niên. Thanh xuân và ký ức của họ mãi ngưng lại giữa núi rừng, liệu họ có biết được đất nước đã giải phóng hay chưa… Ca khúc mở đầu với các ca từ gây xúc động: “Nơi rừng sâu núi non điệp trùng. Đồng đội ơi, ta nằm đây dưới bóng trời mây. Lá chen hoa, vờn quanh những đôi chim nhỏ, chim hoà bình. Có phải chim đến báo tin hòa bình. Đây mùa mưa rét căm căm trời. Đất mẹ ơi, con nằm đây dưới bóng cỏ cây. Đã bao năm, từ ngày đi vẫn chưa trở về. Đất mẹ hiền, từ bao năm đã ôm con vào lòng...".
Người lính lên đường chiến đấu khi tuổi đời còn mới 18, đôi mươi, chưa biết yêu là gì: “Ngày đi tuổi xanh đôi mươi, chưa biết yêu chỉ mới biết nhớ. Cô bé bên nhà ra vẫy chào, lệ không rơi mà lòng dâng trào. Tạm biệt nhé, đất nâu như màu đất mẹ…”. Khi vào chiến trường thì “Biên lá thư mà nước mắt trào, mực chưa khô giờ thắm máu đào…”, bức thư viết vội chưa kịp gửi thì trận bom càn cũng cướp đi sự sống của các anh, những tuổi 18, 20 đẹp nhất mãi nằm lại với thung sâu…
Trong ca khúc, tác giả còn miêu tả những đoạn kéo pháo hào hùng, thể hiện tinh thần chiến đấu, sức mạnh của tuổi trẻ Quân đội Việt Nam trong cuộc tiến công giải phóng miền Nam. Tác phẩm cũng nhắc đến những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mỏi mòn chờ con, chờ chồng, đến khi “Tóc thay màu, trắng mái đầu” vẫn sắt son chờ đợi.
Tác giả Nguyễn Bá Hùng (bên phải) và ca sĩ Đào Mác
Nguyễn Bá Hùng chia sẻ thêm, anh viết ca khúc này trong 3 năm, từ 2020 đến 2023 mới hoàn thành. Trong quá trình sáng tác, anh đã nhận được sự góp ý về cấu trúc tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Tiến Đạt. “Ban đầu tôi chỉ định viết 1 ca khúc về đề tài người lính, nhưng rồi mạch cảm xúc gia tăng, tôi viết thành 3 đoạn, 4 đoạn, 5 đoạn…Tôi cảm thấy bối rối và không có điểm dừng. Tôi tìm đến nhạc sĩ Đặng Tiến Đạt để học hỏi anh ấy về cấu trúc các tác phẩm. Sau đó tôi tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành tác phẩm có hình hài như hiện nay”, nam nhạc sĩ bày tỏ.
Tác giả cũng cho biết anh trăn trở nhiều khi viết những ca khúc như thế này. Anh muốn có thêm bài hát về đề tài cách mạng, lịch sử, hình tượng anh hùng để gợi nhắc cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh giữ nước của các thế hệ đi trước.
Cảm nhận về ca khúc cũng như tác giả, nhạc sĩ Hà Trung bày tỏ: “Tôi thực sự bất ngờ về khả năng viết lời của Hùng. Là thế hệ sinh ra sau chiến tranh nhưng trong ca khúc này, tôi thấy Bá Hùng đã tìm tòi khai thác khá tốt. Giai điệu nhẹ nhàng, gần gũi nhưng truyền tải được nội dung văn học. Đây là một bài hát rất dài gồm nhiều đoạn nhưng cảm giác nghe không bị chán vì câu chuyện mà tác giả muốn gửi tới người nghe”.
“Khi thể hiện tác phẩm Làng bên sông, Đào Mác vô cùng xúc động. Tác phẩm như một câu chuyện kể về sự ra đi, tiếp bước lên đường của từng thế hệ để bảo vệ Tổ quốc, đất nước mặc dù phải hy sinh quên mình. Chẳng hạn như, “Cha đi lâu đến nay đã trở về, hay nằm lại đất nâu với lời thề”, rồi “Đây mùa mưa rét căm căm trời. Đất mẹ ơi, con nằm đây dưới bóng cỏ cây. Đã bao năm từ ngày đi vẫn chưa trở về, đất mẹ hiền từ bao năm đã ôm con vào lòng”. Người cha đã lên đường rồi hy sinh, nay người con cũng theo tiếng gọi của Tổ quốc rồi nằm lại nơi chiến trường đất mẹ linh thiêng. Có thể nói, ca từ trong bài hát đã được nhạc sĩ Nguyễn Bá Hùng chọn lọc rất sâu sắc và tinh tế”, Đào Mác chia sẻ.
Nữ nhạc sĩ Giáng Son nói: “Tôi nghe Làng bên sông từ khi còn là bản demo chỉ có một piano và giọng hát Đào Mác. Nhưng tôi thực sự bị thuyết phục và rất xúc động với thông điệp mà bài hát mang lại. Đối với một nhạc sĩ trẻ sống trong thời bình thì đề tài chiến tranh là rất khó, nhưng Nguyễn Bá Hùng đã có những phần lời rất đẹp, nhân văn, sâu sắc gây xúc động mạnh tới người nghe. Phần âm nhạc được viết như một tổ khúc nhỏ, trữ tình, da diết, thính phòng nhưng có màu sắc Việt Nam. Bài hát khá dài nhưng có nội dung rõ ràng, âm nhạc cuốn hút nên khi nghe chúng ta sẽ không thấy dài, mà chìm đắm trong đó sự tiếc thương vô hạn, ghi nhớ công ơn của các Anh hùng liệt sĩ… Giáng Son thấy đây là một bài hát hay và ý nghĩa, mong sẽ được mọi người đón nhận như một nén tâm nhang của thế hệ trẻ gửi đến ngày 27.7 này”.
THÙY TRANG