A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền cảm hứng cho học trò trên các đấu trường âm nhạc lớn

Trên sân khấu âm nhạc cổ điển những ngày này đang có khá nhiều chương trình hòa nhạc cổ điển, với sự hiện diện của các nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới, như: Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versaille, “thần đồng” piano Nguyễn Việt Trung... Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bùi Công Duy, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chia sẻ, đây là cơ hội để học trò của anh và các thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi kinh nghiệm.

Trở về Việt Nam, dành nhiều thời gian tâm huyết đào tạo nên các tài năng âm nhạc cho nước nhà, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy bảo, điều anh lo lắng nhất và phải luôn củng cố cho các học viên của mình trước một cuộc thi quốc tế là vấn đề tâm lý. Anh nói: “Qua cọ xát, tôi thấy đi thi phải có chiến thuật. Nhiều khi học viên đi xem thấy bạn thi trước đánh nhanh quá bị ảnh hưởng, cuốn vào đầu, đến lúc mình thi cố làm theo như vậy dẫn đến việc “gãy” tác phẩm”.

Theo NSND Bùi Công Duy, việc đào tạo trẻ em các bộ môn âm nhạc cổ điển khác người lớn. Người lớn đánh hỏng khó sửa vì tay cứng. Trẻ con vừa dạy vừa dỗ. Có em bộc lộ tài năng sớm nhưng có em mất một thời gian mới lộ ra năng khiếu, vậy nên điều quan trọng trong tư cách của người thầy là phải kiên trì và truyền nghề bằng một cái tâm trong sáng.

Truyền cảm hứng cho học trò trên các đấu trường âm nhạc lớn

NSND Bùi Công Duy (ngoài cùng, bên trái) cùng huyền thoại violin thế giới Shlomo Mintz trong buổi giảng dạy cho tài năng âm nhạc Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Việt Nam từ trước đến nay có nhiều tài năng âm nhạc giao hưởng nhưng để phát triển thành nghệ sĩ lớn là chặng đường dài đầy khó khăn. Dù những tài năng trẻ của dòng nhạc này miệt mài khổ luyện, được thế giới vinh danh nhưng đến khi trở về, họ không được quan tâm nhiều nên vẫn là những cái tên lặng lẽ, ít người biết. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhạc giao hưởng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh những buổi hòa nhạc, chương trình giao lưu quốc tế nghệ thuật được tổ chức... trên các đấu trường âm nhạc giao hưởng quốc tế, thí sinh của Việt Nam đã để lại ấn tượng nhờ giành được nhiều giải thưởng cao.

Những lứa thế hệ tài năng mới với tuổi đời ngày càng trẻ đã xuất hiện và được công chúng trong nước quan tâm như: Lưu Đức Anh (piano, sinh năm 1993), Ngô Phương Vi (piano, sinh năm 1998), Nguyễn Việt Trung (piano, sinh năm 1996), Đỗ Phương Nhi (violin, sinh năm 1998), Trần Lê Quang Tiến (violin, sinh năm 2002), Cao Hoàng Linh (violin, sinh năm 2006), Nguyễn Nguyên Lê (violin, sinh năm 2008)... Nổi bật có tài năng violin Trần Lê Quang Tiến (sinh năm 2002) - học trò của NSND Bùi Công Duy đoạt giải Nhất Cuộc thi Violon quốc tế tại Thái Lan, giải “Trình diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất” trong Cuộc thi violin lần thứ 10 - Tchaikovsky Competition for Young Musicians, tại Kazakhstan.

Với mong muốn đưa hình ảnh và tiếng tăm của nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, nhiều năm nay, NSND Bùi Công Duy và lãnh đạo, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam khởi xướng tổ chức các cuộc thi âm nhạc mang tính chuyên biệt, như: Cuộc thi âm nhạc quốc tế cho violin, thi hòa tấu thính phòng Việt Nam... Cùng với các cuộc thi là việc mời các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam trình diễn và giảng dạy cho học sinh Việt Nam.

Theo lý giải của NSND Bùi Công Duy, đây là một trong những chiến lược của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiện Học viện là thành viên của Liên minh các trường nghệ thuật chuyên nghiệp Đông Nam Á và Trung Quốc (gồm 11 trường của các nước ASEAN và 8 trường của Trung Quốc); đối tác liên kết với các trường âm nhạc nổi tiếng của Áo, Đức, Nga... hướng đến liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, hợp tác nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật, tận dụng tối đa nguồn lực của mỗi bên để cùng phát triển.

“Chúng ta thấy văn hóa nghệ thuật ngày càng được coi trọng hơn. Trong hoạt động văn hóa không chỉ giữ gìn những bản sắc văn hóa riêng có của người Việt Nam mà còn phải là hội nhập quốc tế nữa. Khi hội nhập quốc tế thì có những tiêu chuẩn chung chúng ta cần phải theo. Chuẩn mực quốc tế ngày càng cao, đòi hỏi chúng ta cũng phải có những sự đầu tư xứng đáng cho văn hóa để bắt kịp thế giới”, NSND Bùi Công Duy bày tỏ.

PHẠM THỦY


Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/truyen-cam-hung-cho-hoc-tro-tren-cac-dau-truong-am-nhac-lon-771342 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan