A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca sĩ Tân Nhàn - bền bỉ với âm nhạc dân tộc

Luôn khẳng định tình yêu và những nỗ lực bền bỉ với âm nhạc dân tộc, ca sĩ Tân Nhàn đã mang đến cho khán giả một “bữa tiệc” với các thể loại âm nhạc cổ truyền như chèo, quan họ, hát văn... trong Chương trình “Con đường âm nhạc” của riêng mình đầu tháng 4 vừa qua.

Trên sân khấu “Con đường âm nhạc” diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), ca sĩ Tân Nhàn chia sẻ: “Những kỹ thuật thể hiện âm nhạc dân gian tôi đã học hỏi và luôn biết ơn các bậc tiền bối như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương...”. Mở màn cho chương trình, Tân Nhàn chọn tác phẩm hát văn “Cô đôi Thượng ngàn”. Giọng hát điêu luyện của Tân Nhàn khiến MC Mỹ Vân thốt lên rằng, không biết nên gọi cô là nghệ sĩ hay nghệ nhân bởi cách đưa kỹ thuật thanh nhạc vào các bài nhạc truyền thống hết sức nhuần nhuyễn. Bài hát văn do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí, người đã cùng Tân Nhàn tạo nền móng cho khát vọng chinh phục âm nhạc dân gian với cách nhìn mới mẻ, cách tân nhằm đưa âm nhạc truyền thống lên sân khấu lớn và đến gần với đa số công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Việc chọn bài hát văn mở đầu đêm nhạc không chỉ là cách làm “nóng” đêm diễn ngay từ điểm khởi đầu mà còn như một sự ngầm khẳng định của Tân Nhàn về một lối đi mà cô trân trọng, nỗ lực, kiên trì trong sự nghiệp âm nhạc của mình: Tôn vinh và góp phần lan tỏa giá trị âm nhạc truyền thống.

NSƯT Đình Cương và ca sĩ Tân Nhàn thể hiện tác phẩm “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”.Ảnh: HÒA NGUYỄN 

Để bước vững trên con đường âm nhạc như hiện nay, Tân Nhàn đã trải qua những chặng đường không phải lúc nào cũng màu hồng. Từ một cô bé nhà nghèo ở Hà Nam, đêm hứng mưa dột qua mái nhà tranh, ngày chạy chân trần khắp chốn ruộng vườn, ngấm vào từng huyết mạch bao khúc dân ca quê hương để nuôi nguyện ước trở thành ca sĩ. Tân Nhàn xuất sắc giành giải nhất Sao mai 2005, phong cách nhạc dân gian. Ngày ấy, Tân Nhàn đặc biệt nổi tiếng với “Trăng khuyết”, ca khúc cũng là tiêu đề cho album đầu tay của Tân Nhàn trong sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp. Sau gần 20 năm, Tân Nhàn hát lại “Trăng khuyết” trong “Con đường âm nhạc” với một tinh thần mới, một bản phối mới khiến khán giả không khỏi xúc động. Cùng cách phối mới mẻ, dày dặn là giọng hát trưởng thành không chỉ ở chuyên môn mà cả độ chín của đời sống, đi qua những khúc quanh, lên, xuống để kiếm tìm hạnh phúc. Vì thế giọng hát vừa nồng nàn vừa xót xa thương cảm cho kiếp con tằm giăng tơ, giăng cả nỗi lòng mình vào sự đồng cảm của khán giả.

Và một lần nữa, Tân Nhàn đã khiến khán giả khe khẽ chấm nước mắt khi cùng người thầy dạy hát văn của mình-NSƯT Đình Cương thể hiện ca khúc “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”. Hình ảnh Tân Nhàn trong bộ trang phục áo mớ ba mớ bảy cách tân, cùng những giai điệu âm nhạc truyền thống tiếp tục khẳng định sự cống hiến của cô trên con đường nghệ thuật. Trong làng nhạc Việt, không có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đam mê đeo đuổi âm nhạc truyền thống theo cách của Tân Nhàn. Bù đắp lại, con đường này cũng đã tạo cho cô một lối đi riêng có, giúp hình ảnh của cô đa sắc, đa tài.

Không màu mè, chiêu trò, con đường nghệ thuật của ca sĩ, Tiến sĩ âm nhạc Tân Nhàn (hiện là Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) chú trọng vào giọng hát và nỗ lực cống hiến cho những điều lớn hơn cả một sự nghiệp ca hát của người nghệ sĩ. Thế nên Tân Nhàn tâm sự, điều cô mong mỏi không chỉ dạy cho sinh viên giỏi về thanh nhạc mà còn phải biết yêu, hiểu và hát được âm nhạc truyền thống. Bởi đây chính là hồn cốt, là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Đã là người Việt thì phải yêu và giữ gìn, phát triển nó. Tân Nhàn cũng đang cùng các đồng nghiệp xây dựng giáo trình âm nhạc dân gian để giảng dạy cho thế hệ kế cận, được góp sức nhỏ bé vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam.

CHÂU XUYÊN


Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/giai-tri/ca-si-tan-nhan-ben-bi-voi-am-nhac-dan-toc-724593 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan