A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Con trai nhạc sĩ Văn Cao: “Cha là cây cao bóng cả bao trùm chúng tôi”

Trong mắt họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao, cha ông là cố nhạc sĩ Văn Cao nghiêm khắc nhưng công bằng. Cả một đời ông yêu thương, luôn hết lòng vì gia đình và đam mê nghệ thuật.

Con trai nhạc sĩ Văn Cao: “Cha là cây cao bóng cả bao trùm chúng tôi”

Nhạc sĩ Văn Cao (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Hải Phòng - mất ngày 10 tháng 7 năm 1995). Ông là tác giả của ca khúc "Tiến quân ca", quốc ca chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Ông đã có thời gian thuộc biên chế Báo Lao Động với vai trò họa sĩ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động nhân dịp 100 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Văn Cao, con trai ông là họa sĩ Văn Thao nhiều lần rưng rưng xúc động khi chia sẻ về cha. Họa sĩ tâm sự, ông tự hào và nhớ về cha mỗi lần nghe các tác phẩm do Văn Cao sáng tác, đặc biệt là Quốc ca.

“Cha tôi là cây cao bóng cả”

Thơ ấu của tôi và nhiều người luôn có bóng dáng của cha ngồi lặng lẽ, hoặc được cha nắm tay dắt đi trên con đường làng... Ông có những ký ức như thế khi nào nhớ về cha mình - cố nhạc sĩ Văn Cao?

- Tôi hay được tháp tùng ông trong hầu hết chuyến đi bởi tôi có thể hỗ trợ ông trong công việc. Ông sáng tác còn tôi với vai trò họa sĩ sẽ thay ông thể hiện những ý tưởng đó. Mẹ cũng để tôi đi cùng để còn đỡ đần cha. Mẹ dặn tôi chăm sóc ông và không để ông uống rượu quá nhiều.

Năm 1984, kỷ niệm 30 năm Giải phóng Thủ đô, cha con tôi có chuyến đi về Thái Bình cùng một số đồng nghiệp. Chúng tôi được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình mời xuống dựng một vở kịch.

Khi đi qua ga Văn Điển, xe bị hỏng bánh và phải tấp bên đường để kiểm tra. Lúc này, một anh công an giao thông chạy tới đòi kiểm tra giấy tờ và hỏi lý do dừng xe ở nơi không được phép.

Tài xế trình bày lên đón nhạc sĩ Văn Cao tới Thái Bình sản xuất chương trình. Anh công an lập tức hỏi: “Nhạc sĩ Văn Cao đâu?”. Khi thấy cha tôi, anh công an cúi đầu chào và bày tỏ: “Cháu trực ở đây đã lâu, hàng ngày vẫn nghe ca khúc của bác. Đặc biệt, hôm nay khắp nơi đều phát bài "Tiến về Hà Nội" của bác. Cháu thật vinh dự và không ngờ được gặp các bác như thế này”.

Trong quãng đường đi sau đó, cha tôi hỏi mọi người: “Này các ông ơi, nay ngày gì mà tôi cứ nghe bài hát của tôi vang lên thế”. Các chú trả lời: “Thế ông không biết à, nay là ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, không phát bài hát của ông thì của ai”. Cha tôi ngẩn người nhìn đoàn người đi vào Hà Nội, trong khi cha tôi cùng các chú lại đang ra khỏi Hà Nội.

Lớn lên cùng những tác phẩm thơ ca hội họa của Văn Cao lại cùng cha đồng hành trong các chuyến đi từ Nam ra Bắc, việc đó ảnh hưởng thế nào đến tính cách cũng như tư duy nghệ thuật của ông?

- Trong nhiều năm, tôi được tiếp xúc với những người bạn của cha tôi như: Nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... Nhà tôi như điểm hẹn của rất nhiều văn nghệ sĩ lớn.

Khi có khách, tôi lo việc pha trà, chuẩn bị đồ cho các cụ. Tôi cứ ngồi sau giá sách để nghe các ông bàn luận về trường phái, tư tưởng thơ ca... Dần dần, những điều đó ngấm vào tôi và để rồi tôi quyết định đi theo con đường của cha.

Trong công việc, ông rất nghiêm túc bàn bạc với mọi người để đạt hiệu quả. Qua đó, tôi học được nhiều điều về cách thiết kế, trang trí một vở kịch và chọn lựa chất liệu. Khâu trang trí rất quan trọng và tôi luôn được cha chỉ bảo. Cha cũng dạy tôi cách phân tích tác phẩm, nhân vật.

Tôi không thể phát triển như cụ và rất tiếc nuối về điều đó nhưng nghệ thuật còn đòi hỏi đầu óc, năng khiếu, nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, tôi học được ở cha một điều. Cha dạy tôi tư duy đã đi vào con đường nghệ thuật, sẽ cực kỳ vất vả và phải tìm ra cho mình phong cách riêng.

Đồng hành với cụ Văn Cao trong hầu hết chuyến đi, ông chứng kiến cha mình đã phải trải qua những gì trong suốt chặng đường làm nghệ thuật?

- Cụ rất khiêm tốn và cũng trải qua nhiều tai nạn về nghề nghiệp. Do đó, trong gia đình gồm 5 người con, cụ không cho chúng tôi theo con đường nghệ thuật, đặc biệt 3 con trai. Nghề này có nhiều khó khăn và dễ gặp những tai nạn về viết lách. Cả cụ và tôi đã hứng chịu những biến cố đó.

Ban đầu tôi theo học trường nhạc nhưng sau đó sự cố xảy ra, cụ không muốn tôi theo con đường này nữa. Tôi chuyển sang học kỹ thuật cơ điện. Nhưng dường như là cái duyên, sau vài năm, tôi quyết định học mĩ thuật rồi làm thơ, làm nhạc.

Ban đầu, cụ không đồng tình nên tôi phải giấu cha việc đăng ký vào trường mĩ thuật.

So với những nhạc sĩ cùng thời, cụ Văn Cao có ít tác phẩm hơn hẳn. Có bao giờ cụ chia sẻ với ông lí do?

- Vì cụ phải làm nhiều việc, lúc cụ làm thơ, làm nhạc, lúc lại vẽ nên thời gian bị chi phối và không thể sáng tác nhiều. Cụ còn công việc hành chính nữa.

Trong âm nhạc, ca khúc của cụ chưa đến 50 bài, thơ khoảng 100 bài. Với hội họa, cụ vẽ tranh rất sớm rồi bị thất lạc nhưng cũng chỉ khoảng vài chục bức.

Cụ thường sáng tác về đêm và đánh đàn thật khẽ để tránh ảnh hưởng đến gia đình. Cụ cũng ít khi hoàn thành ngay tác phẩm. Cha thường để sau một thời gian mới mang tác phẩm ra nghiên cứu lại. Nếu còn cảm xúc, ưng ý với tác phẩm đó, cụ tiếp tục làm. Tức là, cụ luôn đưa ra mốc thời gian để kiểm nghiệm tác phẩm. Đó là lý do tác phẩm của cụ không nhiều nhưng chắt lọc.

Cũng đi theo con đường sáng tác âm nhạc, làm thơ và hội họa giống cha, ông có áp lực trước cái bóng quá lớn của cha mình?

- Có chứ, cha tôi là cây cao bóng cả và chúng tôi nằm trong cái bóng đó, không sao có thể ngoi ra được. Tôi cũng tự ti, áp lực lắm. Nếu làm không ra gì, mọi người có thể nói: “Ông Văn Cao giỏi vậy mà con cái không làm được gì”. Nếu tôi làm tốt, mọi người có thể lại nói là con của Văn Cao nên đương nhiên phải giỏi rồi.

Đi theo con đường giống cha, tôi được mọi người trong nghề kính trọng. Đó là điều tôi tự hào nhưng cũng dặn bản thân phải cẩn thận, khiêm tốn hơn trong mọi việc.

Đó cũng là lý do, tôi giấu hết quá trình làm thơ, làm nhạc với cụ. Đến khi cụ mất, tôi mới phát hành.

Họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Cha con tôi như những người bạn”

Đã bao giờ ông tâm sự với cố nhạc sĩ Văn Cao về những áp lực của bản thân khi có người cha quá nổi tiếng, tài hoa?

- Cha coi tôi như một người bạn, nhất là giai đoạn mẹ và các em tôi đi sơ tán. Lúc đó, chỉ còn hai cha con ăn cùng nhau. Vào những lúc yên tĩnh, cụ ngồi tâm sự với tôi, kể cả những câu chuyện riêng tư hoặc mối quan hệ với mọi người.

Mọi người nhắc đến Văn Cao với sự kính trọng của một nghệ sĩ tài hoa ở mọi lĩnh vực. Còn với ông, nhạc sĩ Văn Cao là người cha như thế nào?

- Cha dạy con rất nghiêm khắc nhưng không bao giờ đánh. Trong mỗi sự việc, cụ đều xác minh rõ thực hư. Chẳng hạn, khi tôi đánh nhau với bạn bè, cụ tìm hiểu xem ai là người sai. Nếu tôi sai, cụ mới xử phạt. Tội nhẹ 3 roi, tội nặng 6 roi. Nhưng thường đến roi thứ 2, cụ thương con nên dừng lại rồi lại bảo mẹ tôi ra bôi thuốc cho.

Cụ cũng dạy tôi tự lập và trung thực. Tôi tập nấu ăn và phụ giúp gia đình từ năm 9, 10 tuổi. Tôi thương ông lắm, ông chẳng được hưởng gì. Cả cuộc đời, cụ lo cho con cái, gia đình nhưng đến lúc được hưởng đồng nhuận bút, cụ qua đời.

Cụ sống rất có trách nhiệm, luôn lo toan cho gia đình và các con. Cụ nghiêm khắc nhưng cũng công bằng. Cụ không bao giờ áp đặt. Đôi khi cụ mắng tôi nhưng sau đó biết đã hiểu lầm, cụ sẽ xin lỗi và thừa nhận bản thân chưa hiểu hết về con nên mắng oan. Do đó, mỗi lần nhắc đến cụ, tôi đều nhớ và xúc động.

Nhiều người hỏi cha tôi tại sao không viết hồi kí nhưng cụ cho rằng viết hồi kí phải chân thực, khách quan, tỏ rõ quan điểm chính trị, nghệ thuật. Nhưng đôi khi trong hồi kí, người ta có thể nâng cao bản thân hoặc thanh minh cho những lỗi lầm. Do đó, cha từng nói với tôi một câu đến giờ tôi vẫn nhớ: “Cuộc đời cha chính là các tác phẩm. Khi đọc các tác phẩm của cha, mọi người sẽ hiểu và viết về cha. Biết đâu, sau này chính con là người viết cho cha” và sự thực là như vậy!

Sau khi cụ mất, rất nhiều người viết về cụ. Có người viết đúng, có người hiểu sai rồi tam sao thất bản. Đến lúc này, tôi thấy mình phải viết thôi để đính chính nhiều nội dung tam sao thất bản ấy. Từ đó, chúng tôi đi từ Nam ra Bắc rồi các địa danh cha tôi đã hoạt động, tìm hiểu tư liệu và gặp gỡ nhiều người để xác minh.

Đến bây giờ, chúng tôi vẫn phải đi tìm hiểu. Thế mới thấy, cụ lớn quá, hoạt động cùng lúc quá nhiều việc, từ đội biệt động rồi tới phóng viên Báo Lao Động, Độc lập... Càng đi càng thấy bước chân của cha tôi nhiều đến thế nào.


Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/con-trai-nhac-si-van-cao-cha-la-cay-cao-bong-ca-bao-trum-chung-toi-1197001.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật