A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đêm thơ nhạc kịch của Lưu Quang Vũ làm mới vở Hồn Trương Ba - da Hàng Thịt

Đêm thơ nhạc kịch lấy chủ đề “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, tôn vinh những tác phẩm về tình yêu đôi lứa và tình yêu đất nước của Lưu Quang Vũ.

Đêm thơ nhạc kịch của Lưu Quang Vũ làm mới vở Hồn Trương Ba - da Hàng Thịt

Ban tổ chức và ê-kíp nghệ sĩ giới thiệu chương trình tôn vinh thơ ca, kịch của Lưu Quang Vũ. Ảnh: Thùy Trang

Sáng 8.8, họp báo đêm thơ nhạc kịch “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi” diễn ra tại tòa soạn báo Nông thôn Ngày nay.

Nhân kỉ niệm 75 năm ngày sinh tác giả Lưu Quang Vũ, 35 ngày mất cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam, gia đình hai cố tác giả phối hợp cùng báo Nông thôn Ngày nay tổ chức đêm thơ nhạc kịch mang tên “Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi”.

Đêm nhạc được dàn dựng công phu, sáng tạo, quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi: NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Chức, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tạ Tấn Minh, diva Mỹ Linh, ca sĩ Vũ Thắng Lợi…

Tổng đạo diễn chương trình là NSƯT Trần Lực, đạo diễn âm nhạc là nhạc sĩ Trần Đức Minh. Và lần đầu tiên, vở kịch bất hủ “Hồn Trương Ba - da Hàng Thịt” của Lưu Quang Vũ sẽ được thể hiện với phong cách kịch đương đại, trẻ trung.

Theo ban tổ chức, đêm thơ nhạc kịch bao gồm 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của tác giả Lưu Quang Vũ. Sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật, chương trình tái hiện cuộc đời ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của cây bút tài năng một thời - người được mệnh danh là nhà viết kịch tiên phong trong nền kịch nghệ Việt Nam thời kì đổi mới.

Chia sẻ về chương trình, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, em trai tác giả Lưu Quang Vũ, Trưởng Ban tổ chức đêm thơ nhạc kịch cho biết: “Di sản nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để lại rất đồ sộ. Những năm vừa qua, gia đình, đồng nghiệp và những người hâm mộ anh đã làm nhiều chương trình nghệ thuật khác nhau, nhưng mới chỉ mang tới khán giả một phần rất nhỏ trong số di sản đó.

Người yêu thi ca hay nhắc tới anh với những bài thơ say đắm, lãng mạn, nhưng Lưu Quang Vũ còn có một loạt tác phẩm với đầy cảm xúc công dân, tinh thần trách nhiệm của một nhà thơ trước các vấn đề lớn của xã hội, tình thương dành cho những con người nhỏ bé, yếu thế. Tại chương trình này, lần đầu tiên những tác phẩm như thế sẽ được trình diễn trên sân khấu”.

Vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Có thể nói, tình yêu và tổ quốc là hai cảm hứng lớn lao trong thơ ca Lưu Quang Vũ. Ông là tác giả của hàng trăm bài thơ cùng hơn 50 kịch sân khấu. Ông là tác giả trẻ nhất được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Vợ ông, nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng như “Sóng”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”… Nhà thơ Xuân Quỳnh được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) sinh ra tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà thơ Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi ông đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập Hương cây- Bếp lửa (1968).

Từ 1978 đến 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17. Tiếp sau đó, hơn 50 vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba - da Hàng Thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta...

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 -1988) sinh tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 29.8.1988, vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương, trên đường đi dựng kịch trở về.

Để ghi nhớ những đóng góp giá trị của hai tác giả Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, tên ông bà được đặt cho nhiều đường phố ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đồng Hới, TP.HCM và mới nhất là tại Hà Nội…


Nguồn:https://laodong.vn/van-hoa/dem-tho-nhac-kich-cua-luu-quang-vu-lam-moi-vo-hon-truong-ba-da-hang-thit-1226374.ldo Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan